Món cháo cá lóc rau cải xoong sẽ bớt ngon nếu khâu rửa cá mẹ làm không kỹ, vì cá lóc dễ tanh nên mẹ nhớ phải cạo cho sạch nhớt và ướp trước khi nấu để có món cháo đậm đà, thơm ngon.
1. Cháo tôm bí đỏ
Nếu bé đang chán ăn, mẹ hãy thử cho con món cháo tôm bí đỏ này. Đảm bảo rằng món cháo hải sản cho bé ăn dặm này vừa bổ lại vừa thơm ngon; từng muỗng cháo ngọt thơm ăn tới đâu ấm bụng tới đó, chắc chắn sẽ làm bé thích mê!
Cháo tôm bí đỏ nấu rất đơn giản: Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng hoặc mẹ có thể để nguyên miếng hầm chung với cháo là bí sẽ nhừ, chỉ cần dùng thìa tán nhỏ là bé sẽ ăn được. Tôm lột vỏ, mẹ nhớ rút chỉ đen để con ăn đỡ bị sạn, sau đó cắt tôm hạt lựu hoặc xay nhuyễn tùy vào khả năng ăn thô của bé, ướp tôm với chút bột nêm và đầu hành trắng giã nhuyễn.
Khi cháo gạo và í đã nhừ, mẹ cho tôm vào và nêm nếm gia vị vừa ăn đợi chín tới thì tắt bếp.
Món cháo tôm này sẽ bớt ngon nếu mẹ quên rút chỉ tôm, quên bỏ hành ngò, và mẹ nấu quá loãng (khi nấu cháo tôm rất dễ bị loãng từ lúc cho tôm vào, do đó nồi cháo ban đầu phải đặc để cân bằng lại).
2. Cháo cá chép, rau mồng tơi
Nếu không có cá chép, mẹ có thể dùng bất cứ loại cá thịt trắng nào nấu cũng ngon.
Cá trước khi nấu nên ướp với nước mắm để thấm, sau đó mẹ phi hành tím rồi cho cá vào xào chín.
Rau mồng tơi rửa sạch, thái nhỏ, xào qua với dầu ăn cho rau giữ được màu xanh và bớt nồng; sau đó mẹ trút cháo trắng nấu sẵn, cá vào nồi, cho thêm chút nước và nêm nếm vừa ăn.
Món cháo dinh dưỡng được chế biến từ cá nấu với rau mồng tơi rất đơn giản, dễ làm nhưng rất giàu kẽm và rất hiệu quả với các bé bị táo bón đấy các mẹ. Món này ăn vào mùa nóng sẽ giúp con giải nhiệt, lợi tiêu hóa.
Món cháo cá rau mồng tơi sẽ bớt ngon nếu mẹ cho rau xanh thẳng vào cháo đang sôi, vì như vậy mùi mồng tơi sẽ nồng hơn; đặc biệt mẹ không nên nấu một nồi cho con ăn cả ngày vì cháo rau mồng tơi chỉ cần nấu lại là sẽ không còn thơm ngon như mới nấu.
Một chút dầu ăn trẻ em sẽ khiến món cháo hải sản cho bé ăn dặm này thơm ngon hơn đấy mẹ ạ!
3. Cháo cua bông cải
Cháo cua rất ngon, nhưng vì phải bóc thịt cua tốn thời gian nên mẹ ít khi làm cho con ăn. Mẹ có thể cải thiện bằng cách lột cua sẵn và để con ăn dần trong tuần.
Thịt cua sau khi đã lột mẹ nên hòa chung với một ít nước cho tan đều (ít nước thôi mẹ nhé). Bông cải rửa sạch xắt nhỏ, sau đó xào sơ với đầu hành cho xanh, rồi trút cháo trắng nấu sẵn và thịt cua vào, đun sôi, khuấy mịn, nêm gia vị vừa ăn.
Cháo cua bông cải nên dùng nóng. Mẹ xắt thêm miếng hành ngò vào chén cháo của con cho đẹp mắt và thơm ngon.
Món cháo cua bông cải sẽ bớt ngon nếu mẹ bỏ qua thao tác xào sơ bông cải. Rất nhiều mẹ nấu con con ăn theo kiểu bỏ trực tiếp rau xanh vào cháo, như vậy rau không còn giữ được màu xanh và không dậy mùi thơm.
4. Cháo cá lóc, rau cải xoong
Mẹ nên chọn loại cá quả đầu bẹt, vảy ở bụng có màu trắng, lưng màu đen mới là cá ngon. Mẹ làm sạch cá, đem hấp cách thủy cho chín, gỡ lấy thịt nạc ướp gia vị (nếu có thời gian thì mẹ nên giã xương cá và lọc lấy nước nấu cháo cho ngọt).
Rau cải xoong rửa sạch băm nhỏ, mẹ xào sơ với chút dầu ăn rồi trút cháo trắng nấu sẵn cùng thịt cá vào, đun lửa nhỏ, nêm nếm rồi quấy đều, cháo sôi lại là xong.
Món cháo cá lóc rau cải xoong sẽ bớt ngon nếu khâu rửa cá mẹ làm không kỹ, vì cá lóc dễ tanh nên mẹ nhớ phải cạo cho sạch nhớt và ướp trước khi nấu để có món cháo đậm đà, thơm ngon.
Lưu ý khi cho trẻ ăn hải sản:
– Khi làm cháo hải sản cho bé ăn dặm, mẹ chỉ nên cho ăn ít một, chọn loại tươi ngon, nấu chín kỹ để tránh ngộ độc.
– Hải sản chế biến chưa chín hẳn có thể ẩn chứa vi trùng và ký sinh trùng đường ruột.
– Khi nấu các món cháo dinh dưỡng cho bé, mẹ lưu ý cá có xương cần sơ chế kỹ để bé không bị hóc xương.
– Những hải sản không nên cho trẻ ăn: đó là cá kình, cá cờ, cá thu lớn, cá ngừ lớn… và những loại cá có thể chứa hàm lượng thuỷ ngân cao vì dễ gây ngộ độ cho bé.