Theo y học cổ truyền mồ hôi trộm là do vệ khí không đủ sức thúc đẩy mạnh khi khí bảo vệ ở ngoài, do đó không thể ngăn chặn tân dịch thoát ra thành mồ hôi. Khi nhắm mắt ngủ, vệ khí trong âm, ở phần bửu sẽ không còn vững chắc, huyết khí không còn bị ngăn cản, sẽ thoát ra ngoài qua tấu lý (lỗ chân lông) đã mở.
Khi mở mắt tỉnh dậy, vệ khí lại ra bảo vệ bên ngoài, tấu lý (lỗ chân lông), khép lại nên hết ra mồ hôi.
Mồ hôi trộm thường thấy ở ngoài tâm huyết bất túc (không đầy đủ, tim hồi hộp, ít ngủ…), âm hư hỏa vượng (có ngủ tâm phiền nhiệt). Cần dùng phép bổ huyết, dưỡng tâm, biển hãm, tư âm giáng hỏa, liễm hãm để chữa. Vậy chữa mồ hôi trộm như thế nào? Dưới đây là một vài bài thuốc chữa mồ hôi trộm có hiệu quả:
Bài 1: Tang diệp 15g, Phù tiểu mạch 30g, Ma hoàng căn 12g, Bạch thược 12g, Sinh địa 12g, Mạch môn 12g, Kê nội kim 10g, Hoài sơn 10g. Nghiền.
Bài 2: Tang diệp 12g, Liên kiều 9g, Thông thảo 6g, Phù tiểu mạch 18g, Mẫu đan bì 9g, Hoạt thạch 9g, Mẫu lệ 18g.
Cách dùng: Ngâm nước các vị thuốc trên sau 30 phút cho vào 750ml nước sắc kỹ lấy 250ml nước, nước thuốc chia uống 3 lần trong ngày sau khi ăn 30 phút.
Ngoài việc dùng thuốc, hàng ngày có thể ăn các món ăn có tác dụng chữa mồ hôi trộm như dưới đây:
Cháo trai:
Nguyên liệu: Trai đồng 5 con loại vừa, lá dâu non 30g, gạo nếp 50g, gạo tẻ 50g, dầu thực vật, bột gia vị vừa đủ.
Cách chế biến và dùng: Pha nước muối loãng ngâm trai, sau 1 giờ vớt ra rửa sạch, cho vào nồi luộc, nhặt lấy ruột trai và lọc lấy nước trong. Ruột trai bỏ hết phần đất, thái nhỏ ướp gia vị, dùng dầu thực vật xào cho thơm. Lá dâu non rửa sạch thái nhỏ, gạo tẻ, gạo nếp xay thành bột mịn, cho thêm nước vào nước luộc trai, cho bột gạo vào quấy đều, đun nhỏ lửa, khi cháo chín cho trai, lá dâu, nêm vừa gia vị, cháo sôi lại là được. Ngày ăn 2 lần lúc đói, cần ăn liền trong 4 – 5 ngày.
Cháo cá mực:
Nguyên liệu: Cá mực khô, củ mài 150g, hạt ý dĩ 50g, bột gia vị vừa đủ.
Cách chế biến và dùng: Cá mực khô rửa sạch, thái hay xay nhỏ, hạt ý dĩ bỏ hết vỏ xay thành bột, củ mài gọt vỏ thái miếng cho vào nồi cùng 300ml nước, ninh nhừ, cho cá mực, bột ý dĩ vào quấy đều, nêm gia vị vừa đủ. Bệnh nhân ăn ngày hai lần, ăn trong 10 ngày.
Tim lợn hấp lá dâu:
Nguyên liệu: Tim lợn 1 quả 250g, lá dâu non 30g, hạt sen 20g, dầu thực vật, bột gia vị.
Cách chế biến và dùng: Tim lợn rửa sạch thái nhỏ và mỏng, ướp gia vị, dùng dầu thực vật xào chín, lá dâu non rửa sạch thái nhỏ, hạt sen giã nhỏ, cả ba thứ trộn đều đem hấp cách thủy, khi chín cho bột ngọt vào đảo đều cho bệnh nhân ăn, ngày ăn 1 lần vào buổi chiều, trong 5 ngày.
Nước uống lá dâu:
Nguyên liệu: Lá dâu khô 10g, rau má khô 5g.
Cách chế biến và dùng: Cả hai thứ trên rửa sạch cho vào ấm cùng 200ml nước đun sôi kỹ chắt lấy nước chia 2 lần uống trong ngày, cần uống trong 5 ngày liền.
Theo Nongnghiep