Y học cổ truyền gọi tâm phế mạn là đàm ẩm, thủy thũng và chia ra làm các thể bệnh khác nhau với các bài thuốc chữa cho từng thể bệnh.
Chứng tâm phế mạn, một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm phế quản, phổi mạn cao tuổi.
Biểu hiện của bệnh là: Xuất tiết khí – phế quản, khó thở, có các đợt viêm tái phát liên tiếp trên nền tảng của một bệnh phế quản – phổi mạn tính, hiện tượng khó thở tăng dần với cảm giác đè nén ở ngực khi có cố gắng thể lực, thường kèm theo đau ngực, luôn có cảm giác đau tức hạ sườn phải khi cố gắng thể lực. Ngoài các dấu hiệu thường thấy như trên, còn có những triệu chứng như tím tái, ngón tay sưng có hình dạng như dùi trống, mạch nhanh không đều…
Tâm phế mạn là một hậu quả nặng nề, có thể dẫn tới suy tim và suy hô hấp của bệnh phế phổi mạn và một số bệnh hô hấp mạn tính khác như giãn phế nang, hen phế quản, xơ phổi, bệnh bụi phổi… Tiên lượng của bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân và phương thức điều trị. Bệnh đòi hỏi phải được phát hiện sớm và điều trị tích cực, bài bản. Nên đi khám ở các phòng khám chuyên khoa hô hấp hoặc tim mạch.
Ảnh minh họa – Internet
Y học cổ truyền gọi tâm phế mạn là đàm ẩm, thủy thũng và chia ra làm các thể bệnh khác nhau với các bài thuốc chữa cho từng thể bệnh.
1. Thể đàm trọc:
– Chứng trạng: Ho đàm nhiều, sắc trắng dính nhớt lẫn bọt, suyễn thở đoản hơi, đoản khí, sợ gió, mệt mỏi vô lực, ăn ít, chất lưỡi hơi nhạt. Rêu trắng nhợt.
– Bài thuốc: Tía tô tử 9g, bán hạ 9g, đương quy 9g, cam thảo 6g, tiên hồ 6g, hậu phác 9g, nhục quế 3g, trần bì 6g.
2. Thể đàm nhiệt ngăn phế:
– Chứng trạng: Ho suyễn tức thở, thở hổn hển, bứt rứt, ngực đầy, đàm vàng, dính đặc; người nóng hơi sợ rét, có mồ hôi không nhiều, tiểu vàng, phân khô, miệng khát, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc nhớt, rìa lưỡi đỏ.
– Bài thuốc: Khoản đông hoa 10g, hạnh nhân 10g, bách bộ 10g, cam thảo 10g, hoàng cầm 15g, bồ công anh 15g, tri mẫu 15g, qua lâu 20g, địa long 12g, mạch đông 10g, cát cánh 10g, đan sâm 12g, tử uyển 10g, xích thược 12g.
3. Thể hàn đàm ngăn phế:
– Chứng trạng: Đàm phần nhiều trắng, loãng có trạng thái bọt, hụt hơi suyễn, ớn lạnh hơi sốc, miệng không khát, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng trơn nhuận.
– Bài thuốc: Ma hoàng 9g, bạch thược 9g, tế tân 3g, can khương 3g, cam thảo 6g, quế chi 6g, bán hạ 9g, ngũ vị tử.
4. Thể đàm che tâm khiếu:
– Chứng trạng: Tinh thần hoảng hốt, nói sảng, bứt rứt, không yên chân tay, lúc tỉnh, lúc mê, có thể co giật, suyễn gấp, ho đàm khó khạc, rêu lưỡi trắng nhớt hoặc vàng nhớt, chất lưỡi đỏ tối hoặc tím nhạt.
– Bài thuốc: Bán hạ 8g, đởm tinh 8g, cát hồng 6g, chỉ thực 6g, phục linh 6g, nhân sâm 3g, xương bồ 3g, trúc nhự 2g, cam thảo 2g.
5. Thể phế thận khí hư:
– Chứng trạng: Thở nông, khó thở liên tục, khi nặng bệnh nhân há miệng so vai, không thể nằm thở, ho đàm trắng như bột, khạc nhổ khó, ngực bí, tinh thần hoảng hốt, mồ hôi nhớt, lưỡi nhạt hoặc tím tối.
– Bài thuốc: Hoàng kỳ 15g, xuyên khung 15g, đan sâm 15g, phục linh 12g, hoàng cầm 12g, trúc nhự 12g, bạch truật 9g, phòng phong 9g, bán hạ 9g, đào nhân 9g, cam thảo 3g.
6. Thể dương hư thủy tràn:
– Chứng trạng: Mặt phù, chân thũng, nặng thì toàn thân thũng, bụng trướng đầy có nước, tim hồi hộp, suyễn ho, đàm trong lỏng, ăn kém, tiểu ít, sợ lạnh, mặt môi xanh tím, rêu lưỡi trắng trơn chất lưỡi tối.
– Bài thuốc: Kê huyết đằng 30g, uất kim 18g, hồng hoa 9g, xích thược 15g, đan sâm 15g, phụ phiến 24g, bạch truật 12g, phục linh 20g, sinh khương 30g, quế tâm 9g, trư linh 30g, trạch tả 30g, mộc thông 30g, xa tiền thảo 30g.
Theo Suckhoedoisong