Vệ sinh cho bé trai và bé gái có nhiều đặc thù khác nhau, bởi cấu tạo các bộ phận của hai giới là khác nhau.
Vì thế các bậc cha mẹ cần chú ý đến các bước vệ sinh cho bé trai và bé gái dưới đây để vệ sinh cho bé thật tốt.
Vệ sinh cho bé gái
Trước tiên bạn hãy rửa tay thật sạch.
Đặt bé lên tấm lót, cởi quần áo và tháo tã ra cho bé.
Lau sạch phân bằng giấy vệ sinh mịn, sau đó dùng bông gòn thấm nước lau hết vùng bụng cho tới rốn. Tiếp tục dùng bông gòn sạch lau trong những nếp da 2 bên bẹn, từ trên xuống dưới và hướng từ trong ra ngoài.
Kế đó, nhấc chân bé lên với một ngón tay giữa 2 mắt cá chân và lau sạch bộ phận sinh dục. Luôn lau từ phía trước ra phía sau để tránh vi trùng xâm nhập từ hậu môn vào âm đạo. Đừng cố gắng làm sạch môi âm hộ.
Dùng bông gòn lau sạch hậu môn cho bé, rồi lau mông và đùi, lau từ ngoài vào trong, hướng về hậu môn.
Dùng giấy vệ sinh mịn lau khô vùng quấn tã, rồi để 1 lúc cho vùng mông đít khô ráo để bé thoải mái.
Thoa kem bảo vệ bên trên và xung quanh bộ phận sinh dục, môi âm hộ, hậu môn và vùng mông.
Tiến hành quấn tã cho bé.
Cách vệ sinh cho bé trai
Nước tiểu bé trai thường dính xung quanh, bởi thế bạn cần làm sạch kỹ toàn bộ vùng đít em bé mỗi lần thay tã, để bảo vệ cho bé khỏi bị hăm.
Đặt em bé lên tấm nệm lót và cởi đồ, tháo tã cho bé.
Bé trai của bạn có thể sẽ đái ngay khi bạn cởi tã ra. Do đó, bạn nên dừng lại vài giây sau khi tháo tã, giữ tã để bé đái mà không làm bẩn xung quanh.
Sau đó mở hẳn tã ra, lau sạch phân bằng giấy vệ sinh mịn và bỏ vào trong tã rồi gấp xuống phía dưới thân của bé.
Thấm ướt bông gòn với nước để lau cho bé. Bắt đầu lau từ bụng lên đến rốn.
Dùng bông gòn mới lau toàn bộ các kẽ ở bẹn và phần cuống bộ phận sinh dục. Chú ý luôn lau từ trong ra ngoài.
Dùng bông mới lau toàn bộ cơ quan sinh dục của bé vì phân và nước tiểu hay đọng lại ở đó.
Làm sạch bộ phận sinh dục của bé, lau hướng từ trong thân ra bên ngoài. Đừng bao giờ lộn ngược da bao qui đầu để làm sạch dưới bao da, phần này tự giữ sạch được.
Dùng một tay nhấc hai chân bé lên, đặt một ngón tay của bàn tay đó vào giữa 2 mắt cá chân của bé, lau luôn cả phía sau mông nữa. Khi bé sạch sẽ rồi mới lấy tã ra.
Lau tay bạn cho sạch, rồi làm khô vùng quấn tã bằng giấy vệ sinh mịn. Nếu bé bị hăm đít, nên có sẵn giấy vệ sinh, phòng khi bé tiểu bất thình lình.
Thoa nhiều kem ngừa hăm lên vùng trên của bộ phận sinh dục (không thoa trực tiếp lên bộ phận sinh dục), hậu môn và mông.
Khi thấy những dấu hiệu hăm đỏ đầu tiên, bạn nên:
– Thay tã thường xuyên hơn.
– Dùng một loại kem trị hăm tã.
– Để bé không mặc tã trong ngày càng nhiều càng tốt.
– Nếu dùng tã bằng vải, hãy dùng một kiểu giấy lót tã thấm nước hơn.
– Nếu đang sử dụng quần nhựa để cố định tã vải thì ngưng sử dụng ngay lập tức, loại quần này chỉ khiến cho bệnh hăm trở nên nghiêm trọng hơn vì chúng làm nước tiểu đọng lại trên da của trẻ.
Theo Mangthai