Lưu ý bệnh hen khi mang thai

Chăm sóc thai phụ có bệnh hen cần có sự kết hợp giữa bác sĩ sản khoa và nội khoa.

Hen là bệnh lý hay gặp nhất ảnh hưởng đến thai phụ. Nhiều thai phụ cho rằng thai nghén sẽ ảnh hưởng đến bệnh hen mà họ đang mắc phải và việc chữa trị bệnh hen sẽ gây hại cho thai nhi. Tuy vậy, việc chữa trị bệnh hen tốt sẽ làm cho người mẹ ổn định bệnh, thai kỳ bình thường và trẻ được sinh ra khỏe mạnh.

Mức độ nặng của bệnh hen trong thai kỳ

Mức độ này khác nhau ở mỗi thai phụ. Cũng khó mà tiên lượng được diễn tiến của bệnh hen ở phụ nữ có thai lần đầu. Trong suốt thời kỳ thai nghén, bệnh hen sẽ diễn tiến nặng hơn ở 1/3 số thai phụ, bệnh cải thiện ở 1/3 số thai phụ khác và ổn định ở số còn lại.

1408 Lưu ý bệnh hen khi mang thai

Ở thai phụ mà tình trạng bệnh hen tiến triển nặng hơn, các triệu chứng hen gia tăng giữa tuần 29 đến 36 của thai kỳ. Bệnh hen giảm nhẹ vào tháng cuối của thai kỳ. Lúc thai phụ sinh em bé sẽ không làm bệnh hen nặng thêm. Ở thai phụ mà bệnh hen cải thiện, tình trạng này sẽ tiến triển tốt dần trong suốt thai kỳ. Mức độ nặng của các triệu chứng bệnh hen trong suốt thai kỳ đầu tiên thường giống với các thai kỳ sau.

Các yếu tố làm gia tăng hoặc giảm các cơn hen trong thai kỳ hoàn toàn không rõ ràng. Việc xảy ra các cơn hen là không thường xuyên trong suốt thai kỳ, chủ yếu từ tuần thứ 17 đến 24.

Trước khi quyết định có thai, phụ nữ bị bệnh hen phải được thăm khám kỹ càng, thầy thuốc sẽ cho thuốc dùng trong thời kỳ mang thai. Nếu thai phụ ngừng uống thuốc sẽ gây hại cho mình và thai nhi.

Ảnh hưởng của bệnh hen

So với phụ nữ không bị hen, phụ nữ bị hen có khả năng bị một hoặc các biến chứng sau khi có thai: Cao huyết áp, sản giật, sinh non, sinh mổ, thai nhỏ so với tuổi thai. Tuy nhiên, đa số phụ nữ bị hen và thai nhi không bị bất kỳ biến chứng nào trong thời kỳ thai nghén nhờ kiểm soát tốt bệnh hen.

Chữa trị hen trong suốt thai kỳ

Chăm sóc thai phụ có bệnh hen cần có sự kết hợp giữa bác sĩ sản khoa và nội khoa. Việc chữa trị cần nhiều biện pháp phối hợp để đem lại hiệu quả cao nhất:

– Theo dõi chức năng phổi của mẹ: Cần đo phế dung (dung tích phổi) để nhận ra hơi thở ngắn liên quan đến tình trạng nặng lên của bệnh hen.

Bệnh hen cũng được theo dõi tại nhà bằng cách dùng một dụng cụ đơn giản gọi là dụng cụ đo lưu lượng đỉnh để đánh giá độ hẹp của đường thở do bệnh hen. Đo 2 lần/ngày, lần 1 vào lúc thức dậy, lần 2 cách 12 giờ. Nếu lưu lượng đỉnh giảm, nó báo hiệu bệnh hen đang trở nặng và cần điều trị tích cực hơn, thậm chí ngay cả khi thai phụ cảm thấy vẫn khỏe.

– Tình trạng sức khỏe thai nhi: Thường xuyên theo dõi tình trạng thai nhi trong suốt thai kỳ như sự phát triển của thai, tim thai, sự vận động và dịch ối.

– Giáo dục thai phụ: Thầy thuốc chỉ dẫn cho thai phụ biết các triệu chứng hen, sự trở nặng của bệnh, sự lên cơn hen, cách dùng thuốc đúng đắn.

– Tránh các yếu tố gây bệnh: Tránh tiếp xúc với các dị nguyên có thể làm khởi phát bệnh hen như lông chó mèo, lông chim, bụi nhà, khói thuốc lá, mùi nước hoa đậm, những chất gây ô nhiễm môi trường.

Bao bọc nệm, gối bằng vỏ bọc đặc biệt để giảm tiếp xúc với mạt bụi. Tránh ngủ trên ghế nệm, trường kỷ. Không nên hút thuốc hoặc để khói thuốc lan tỏa khắp nhà.

– Nếu dự định có thai vào mùa đông (mùa cúm) thì nên tiêm một mũi vắc-xin vào mùa thu.

– Thuốc men: Thuốc chữa hen cho thai phụ tương tự thuốc được dùng để chữa ở những bệnh nhân khác. Nên dùng thuốc ở dạng hít vì có ít tác dụng phụ ở mẹ và thai nhi. Cũng cần chỉnh liều hoặc loại thuốc trong suốt thai kỳ để bù vào những thay đổi về chuyển hóa ở thai phụ và những thay đổi về mức độ nặng của bệnh hen. Điều quan trọng là cân nhắc nguy cơ (rất ít) của thuốc chữa hen so với nguy cơ trầm trọng của bệnh hen không được chữa trị thấu đáo. Những cơn hen nặng làm giảm cung cấp ôxy cho thai nhi dẫn đến nhiều biến chứng như thai chết lưu…

Việc sử dụng thuốc cần có ý kiến của bác sĩ.

Theo Nguoilaodong

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *