Uốn ván là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do trực khuẩn uốn ván gây ra. Trẻ em bị mắc bệnh uốn ván sơ sinh sẽ bị co cứng, co giật, ngừng tim… và hầu hết là tử vong.
Bệnh uốn ván sơ sinh hay gặp ở vùng miền núi, nông thôn, nơi có tỷ lệ đẻ tại nhà cao, đẻ và chăm sóc rốn không đảm bảo vô trùng.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân gây uốn ván ở trẻ sơ sinh do nhiễm vi trùng uốn ván trong lúc đẻ, vi trùng vào qua nơi cắt và buộc ở dây rốn, do băng gạc không vô trùng… Đối với người mẹ, uốn ván do vi trùng xâm nhập theo đường sinh dục gây uốn ván tử cung…
Mặc dù nước ta đã loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, nhưng vi khuẩn uốn ván dưới dạng nha bào vẫn tồn tại ở khắp nơi trong đất cát, cống rãnh…Trẻ sơ sinh có thể bị bệnh uốn ván rốn nếu dụng cụ dùng để cắt rốn, chăm sóc rốn hoặc tay của người đỡ đẻ không sạch.
Hiện nay trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều tổ chức tiêm phòng uốn ván cho thai phụ. Vắc xin phòng uốn ván không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và thai nhi mà nó còn giúp hạn chế hiện tượng tử vong do nhiễm trùng uốn ván.
Tại Việt Nam, công tác tiêm phòng được thực hiện rất tốt, nhất là 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, vì vậy tỷ lệ trẻ sơ sinh bị uốn ván đã hạ thấp rất nhiều, thậm chí đã xoá bỏ được bệnh uốn ván trong nhiều năm.
Tiêm phòng uốn ván trong thời gian nào?
Có thai lần đầu (con so):
+ Tiêm mũi thứ nhất khi có thai từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 5.
+ Tiêm mũi thứ 2 từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 7.
Tiêm phòng uốn ván cho thai phụ ở tháng thứ 5 hoặc thứ 7 của thai kỳ
Có thai lần 2 (con dạ)
+ Tiêm nhắc lại 1 mũi ở bất kỳ tháng nào, nhưng phải tiêm trước khi sinh 2 tuần.
Lưu ý:
+ Trong thời kỳ có thai, các thai phụ cần tiêm 2 lần, khoảng cách giữa 2 lần tiêm ít nhất 1 tháng.
+ Thời gian giữa 2 lần sinh không quá 5 năm. Nếu quá thời hạn trên, thai phụ sẽ phải tiêm 2 mũi đầy đủ như người mang thai lần đầu.
Theo VnMedia