Tình trạng thai nhi toi, nặng cân tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thai to, mẹ bị đái tháo đường căn bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Nhiều nguy cơ
Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, có khoảng 1-14% thai phụ bị tiểu đường trong thai kỳ. Trong đó, số thai phụ được phát hiện bệnh tiểu đường trong quá trình mang thai (bao gồm cả những trường hợp đã bị tiểu đường trước khi mang thai nhưng chưa phát hiện) chiếmtrên 90%.
PGS-TS-BS Ngô Thị Kim Phụng, Trưởng phòng khám Phụ khoa Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: Thai phụ có tiền sử sản khoa bất thường như sinh con to từ 4kg trở lên được khuyến cáo là một trong những đối tượng có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ. Những đối tượng sau cũng thuộc nhóm nguy cơ cao gồm: tiền căn gia đình có người trực hệ đã bị tiểu đường (như cha, mẹ, anh chị em); thai phụ có tiền sử thai lưu không rõ lý do, thai dị dạng; có những bất thường trong thời gian mang thai như cao huyết áp, đa ối, thai to; có đường niệu dương tính.
Tiểu đường thai kỳ có nhiều nguy cơ nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Thai phụ bị tiểu đường cần phải mổ lấy thai hoặc sinh khó do thai to. Thai phụ cũng dễ bị cao huyết áp thai kỳ, bị tiền sản giật, sản giật. Đặc biệt là sau sinh có đến 50% thai phụ sẽ mang căn bệnh tiểu đường týp II; hoặc trong những lần mang thai sau sẽ dễ bị tiểu đường trở lại, càng về sau sự rối loạn càng nặng hơn.
Nguy cơ đối với thai nhi: tỷ lệ dị dạng thai cao, đặc biệt ở thần kinh và tim mạch; phổi của thai nhi trưởng thành muộn hơn so với thông thường; tỷ lệ sang chấn khi sinh cao vì thai nhi nặng cân; dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi, nhiễm trùng trong thời gian đầu; trong thời gian từ 36-38 tuần, nếu chỉ số đường huyết của mẹ mất ổn định, thai nhi dễ bị đột tử; về lâu dài trẻ có thể bị chậm phát triển tâm thần, dễ bịtiểu đường…
Ổn định đường huyết để tránh biến chứng
BS Ngô Thị Kim Phụng lưu ý: Ổn định đường huyết của mẹ là điều đặc biệt quan trọng để tránh những biến chứng có thể xảy ra cho cả mẹ lẫn con. Để thực hiện điều này, thai phụ cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng phù hợp và dùng thuốc hỗ trợ insulin theo chỉ định của bác sĩ. Tốt nhất, thai phụ nên đề nghị để được kết hợp cả sự tư vấn của bác sĩ sản khoa và bác sĩ nội tiết.
BS Nguyễn Thị Ánh Vân, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, tư vấn về cách ổn định đường huyết: Chế độ dinh dưỡng dành cho thai phụ bị tiểu đường không giống với những người bị tiểu đường thông thường vì vẫn phải đảm bảo những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Họ vẫn nên ăn thịt cá, rau củ, trái cây (các chất đạm, béo, khoáng chất, sinh tố) như các thai phụ khác, song cần hạn chế lượng bột đường. Đồng thời, cần lưu ý tránh tuyệt đối những thực phẩm chứa đường hấp thu nhanh như: mật ong, đường cát, đường mía, bánh, kẹo, chè, nước mía,nước ngọt…
BS Ánh Vân khuyến cáo, dù thai phụ có triệu chứng nghén thèm ăn nhưng nếu đó là thực phẩm khiến chỉ số đường huyết tăng thì vẫn cần phải kiềm chế. Nếu tuân thủ một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đa phần thai phụ có thể ổn định đường huyết mà không cần dùng thuốc bổ trợ.
“Sở dĩ thai phụ dễ bị mắc bệnh tiểu đường bởi khi mang thai, một số nội tiết tố tác động lên việc dung nạp gluco theo hướng tăng lên sẽ gây rối loạn đường huyết. Vì vậy, nếu thuộc đối tượng có nguy cơ cao kể trên, tốt nhất trước khi mang thai nên đi thử đường huyết. Nếu đã mang thai thì nên đi kiểm tra đường huyết ngay từ thời kỳ đầu của thai kỳ để phát hiện sớm nhằm hạn chế tối đa nguy cơ bệnh tiến triển. Thai phụ cũng cần kiểm tra lại ở tuần 24-28 của thai kỳ vì đây là thời điểm dễ phát hiện bệnh nhất. Ngoài ra, khoảng 6-12 tuần sau sinh bạn nên đi khám ở bác sĩ nội tiết để được đánh giá về tình trạng dung nạp đường” – BS Kim Phụng khuyên.
Theo PhunuOnline