Mào gà trắng mọc hoang ở khắp mọi nơi, thường thấy ở ven đường và bãi đất hoang hóa. Từ lâu mào gà trắng được biết đến với vai trò là một vị thuốc cũng như món rau quen thuộc của một số đồng bào miền núi phía Bắc.
Theo kinh nghiệm của nhân dân để lại, mào gà trắng có vị đắng, tính hơi hàn, vào kinh tâm có tác dụng thanh can sáng mắt, thanh uế trọc, tiêu viêm, liễm hãm và cầm máu, an thần, hạ áp. Thường dùng trị các chứng bệnh gồm: Viêm kết mạc cấp và mạn tính, say nắng, tăng huyết áp, xuất huyết đường tiêu hóa, thổ huyết, chảy máu cam, xuất huyết tử cung, rong kinh, rong huyết, ỉa chảy, viêm đường tiết niệu, sa trực tràng và một số bệnh ngoài da như ghẻ, hắc lào…
Theo đánh giá của các chuyên gia dinh dưỡng, cứ 100g rau mào gà trắng có 88,5g nước, 4,4g protein; 2g gluxit; 4,85g carotene và 33mg vitamin C. Trong hạt có dầu béo, tinh bột, vitamin PP, nitrat, kali.
Canh rau mào gà trắng: Hằng năm vào tháng 4 – 7 thu hái ngọn và lá non trước lúc cây ra hoa, đem nấu canh như rau dền có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải khát, tiêu viêm thích dụng cho những người táo bón, háo khát, tăng huyết áp, nhức đầu, thiểu năng tuần hoàn não, phụ nữ tiền mạn kinh (bốc hỏa, hoa mắt, chóng mặt), tiểu bí, tiểu rắt và các chứng viêm, nhất là viêm đường tiết niệu…
Mào gà trắng có tác dụng cầm máu, tiêu viêm: Hạt mào gà trắng 10 – 15g, cây mào gà 20 – 25g sắc uống thay trà hằng ngày có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, khử phong nhiệt, thanh can hỏa, làm sáng mắt, thích dụng cho các chứng như viêm đường tiết niệu, viêm kết mạc, chảy máu cam, tử cung xuất huyết, bệnh về gan và mắt, hạ sốt, chảy máu do sốt nhiễm trùng, đại tiện ra máu, trĩ ra máu… Có thể kết hợp với các vị thuốc khác như cỏ chỉ thiên, huyết dụ thán hay thục địa, hoàng cầm…
Chú ý: Rau mào gà trắng có tính nê trệ, thu liễm nên những người có chứng ậm ạch khó tiêu, có tích trệ, huyết áp thấp, tăng nhãn áp, thận dương hư (sợ lạnh, lạnh tứ chi..) không nên dùng.
Theo Suckhoedoisong