Bong nhau non, phù nhau thai, nhau tiền đạo… đều là những vấn đề vô cùng nguy hiểm trong thai kỳ.
Được hình thành ngay sau khi trứng vừa thụ tinh, nhau thai không chỉ là nơi cung cấp chất dinh dưỡng, oxy cho thai nhi mà còn giống như một chiếc đệm duy trì môi trường sống, bảo vệ bé khỏi nhiễm trùng và các bệnh có hại để bé phát triển khỏe mạnh trong bụng mẹ.
Đóng vai trò quan trọng liên quan đến sự sống còn của bào thai, nên một khi có những bất thường xảy ra ở cơ quan này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của bé, thậm chí gây nguy hại đến cả tính mạng của 2 mẹ con. Sau đây là những bất thường phổ biến ở lá nhau mà các mẹ nên biết khi bước vào 40 tuần bầu bí:
Nhau bong non
Là trường hợp cấp cứu sản khoa rất nguy hiểm và hay xảy ra vào 3 tháng cuối thai kỳ, tuy nhiên cũng có một số thai phụ gặp phải biến chứng này vào những tháng giữa thời kỳ thai nghén. Bị nhau bong non trong tam cá nguyệt thứ hai sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là thai nhi bị tử vong. Nguyên nhân do có sự hình thành của khối huyết tụ sau bánh nhau, ngày càng lớn dần làm bong bánh nhau ra khỏi tử cung, cắt đứt nguồn cung cấp chất dinh dưỡng, oxy từ mẹ đến thai, gây chảy máu dữ dội khó cầm được. Nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và con là rất lớn.
Những thai phụ dễ mắc phải biến chứng này gồm khoảng 80% chị em bị nhiễm độc thai nghén, mẹ bầu bị cao huyết áp thai kỳ, bị chấn thương trực tiếp ở vùng bụng, ở những người sinh con lần thứ hai trở đi, hoặc mẹ bị thiếu axit folic trong tam cá nguyệt thứ nhất v.v… Biểu hiện của nhau bong non ở thể nhẹ là mẹ sẽ bị xuất huyết âm đạo ít, cách chữa trị tốt nhất là nằm nghỉ và siêu âm để theo dõi tình trạng. Ở thể trung bình hoặc thể nặng, thai phụ bị mất máu nhiều, từ 0,5 – 2 lit, có thể bị choáng nặng, có rối loạn đông máu, thận không hoạt động. Khi đó cần phải được truyền máu và cấp cứu khẩn cấp, nếu nhau bong trong 3 tháng giữa thai kỳ sẽ không giữ được tính mạng thai nhi.
Bong nhau non là trường hợp cấp cứu sản khoa rất nguy hiểm và hay xảy ra vào 3 tháng cuối thai kỳ. (ảnh minh họa)
Nhau tiền đạo
Chiếm tỷ lệ 1/200 trường hợp mang thai, cũng hay gặp ở những mẹ bầu có tử cung phát triển bất thường, sinh đẻ nhiều lần, từng sinh đôi, sinh ba, hút thuốc lá, có con khi tuổi đã cao v.v… hoặc có vết sẹo cũ ở tử cung do đẻ mổ, phẫu thuật tử cung, nạo hút thai, nhau tiền đạo là tình trạng bánh nhau bám vào đoạn dưới hoặc ở cổ tử cung thay vì ở vùng đáy, thân tử cung như bình thường.
Nhau tiền đạo thường gây xuất huyết âm đạo vào những tháng cuối thai kỳ, nhưng cũng có nhiều trường hợp nhau tiền đạo gây chảy máu sớm trong tam cá nguyệt thứ hai. Do làm ra huyết âm đạo nhiều nên nhau tiền đạo dễ dẫn đến thiếu máu, mất máu gây tử vong ở người mẹ, ảnh hưởng xấu đến thai nhi như thai bị suy dinh dưỡng, suy thai, sinh non v.v… Biến chứng này có thể được phát hiện sớm từ tuần 20 của thai kỳ qua siêu âm.
Khi được chuẩn đoán bị nhau tiền đạo, mẹ bầu phải nằm nghỉ tuyệt đối tại giường, ăn uống bổ dưỡng, không làm việc nặng, kiêng giao hợp, hạn chế đi lại và đi xa v.v…, vì nếu bị ra huyết nhiều, để cứu mẹ bác sĩ sẽ phải chỉ định mổ lấy thai sớm không kể thai đủ tháng hay chưa dẫn đến bé sinh ra bị non tháng rất cao và khó sống sót.
Nhau cài răng lược
Nhau cài răng lược là tình trạng nhau không bám như bình thường mà vượt quá lớp niêm mạc tử cung bám quá sâu vào tử cung, có thể bám rất chắc vào cơ tử cung, thậm chí xuyên thủng cả lớp cơ tử cung, lớp thanh mạc tử cung để xâm lấn vào các cơ quan lân cận như bàng quang, ruột. Khi mắc triệu chứng này, nhau không tróc được tự nhiên sau sinh, gây băng huyết nặng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của sản phụ và thai nhi nhất là khi sinh ở cơ sở không có điều kiện hồi sức, truyền máu hay phẫu thuật sản khoa. Ngoài ra, nhau cài răng lược còn gây sót nhau dẫn đến nhiễm trùng sau sinh, sinh non, cắt tử cung, cắt 1 phần bàng quang hay trực tràng, dò bàng quang, âm đạo, trực tràng v.v…
Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng nhau cài răng lược như mẹ bầu bị nhau tiền đạo, có mổ lấy thai trước đó và tỷ lệ bị nhau cài răng lược tăng theo số lần mổ lấy thai (mổ lấy thai lần 1 thì nguy cơ bị nhau cài răng lược ở đợt mang thai tiếp theo tăng 4,5 lần, mổ lần 2 thì nguy cơ tăng lên đến 11,3 lần), người mẹ có tiền căn bóc nhân xơ tử cung, bị u xơ tử cung dưới niêm mạc, mang thai trên 35 tuổi, hoặc có tiền căn nạo phá thai, nhất là nạo phá thai nhiều lần…
Khi bị nhau cài răng lược, nếu nhẹ người mẹ sẽ được bồi hoàn máu và tử cung tự cầm máu, nặng hơn có thể phải cắt tử cung và mô xung quanh hoặc phẫu thuật bảo tồn tử cung. Dù không thể tránh hoàn toàn nhưng chị em có thể đề phòng bị nhau cài răng lược bằng cách không hoặc hạn chế tối đa việc nạo phá thai, thăm khám kỹ trước và trong khi có thai v.v….
Nhau cài răng lược là tình trạng nhau không bám như bình thường mà vượt quá lớp niêm mạc tử cung bám quá sâu vào tử cung. (ảnh minh họa)
Phù nhau thai
Phù nhau thai là 1 bệnh lý làm mô nhau ứ nước, tăng thể tích, trọng lượng và làm mất các chức năng của lá nhau, thường kèm theo phù dây rốn và thai nhi cũng bị phù nề, tràn dịch đa màng, dị tật, dị dạng, bất thường về tim mạch, lồng ngực, đường tiêu hóa v.v… Có nhiều nguyên nhân gây phù nhau thai như mẹ bị nhiễm trùng, nhiễm độc ở nửa đầu thai kỳ do vi khuẩn hay siêu vi như Rubella, do bất thường nhiễm sắc thể thai nhi, bất đồng nhóm máu mẹ, ngộ độc bào thai do mẹ uống rượu bia, tiếp xúc hóa chất v.v…
Nhau thai bị phù sẽ không thể tiếp tục nuôi dưỡng bào thai do đó cần phải chấm dứt thai kỳ, nếu không thai sẽ bị chết lưu trong bụng mẹ. Trong trường hợp sinh ra, vì non tháng hoặc do nhiều bệnh lý kèm theo nên bé thường không sống được, mẹ lại dễ bị băng huyết. Để phát hiện sớm và dự phòng bệnh lý nguy hiểm này, trước khi có thai chị em cần tiêm phòng 1 số bệnh siêu vi như Rubella, cúm v.v…, tránh tiếp xúc các chất độc hại như hóa chất, chì, không hút thuốc, uống rượu bia, đặc biệt không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ.
Suy nhau
Trong suốt thai kỳ, bào thai nhận dưỡng khí, chất dinh dưỡng, thải ra khí CO2 và các chất thải khác thông qua lá nhau và các mạch máu của dây rốn. Tuy nhiên, trong 1 số trường hợp, nhau có thể không có khả năng tiếp tế cho thai nhi 1 cách đầy đủ vì các nguyên nhân sau: lá nhau không phát triển đầy đủ, lượng máu chảy qua nhau bị hạn chế hoặc các mô nhau bị mất do máu đông cục, nhau tách khỏi thành tử cung 1 phần hay toàn phần, nhau quá nhỏ hoặc kém phát triển, bào thai quá ngày vì thế nhau cấp dưỡng chất không đủ cho thai nhi hay người mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Có thể nhận biết nhau bị suy khi thai phụ tăng cân quá ít, tử cung lớn chậm hoặc thai nhi phát triển dưới mức bình thường.
Sau tiến hành các kiểm tra chuyên môn và đo biểu đồ thai máy, nếu tình trạng suy chức năng nhau đã được xác định, bác sĩ sẽ phải chỉ định giục sinh hoặc mổ bắt con khi mẹ bầu đang ở những tháng cuối của thai kỳ.
Nhau thai bám thấp
Hiện tượng nhau bám thấp thường do một số nguyên nhân như tử cung bị dị dạng, có sẹo mổ, có tiền sử điều hòa kinh nguyệt.
Nhau thai bám thấp là một trong 4 dạng nhau của nhau tiền đạo gồm bám mép, nhau tiền đạo bán trung tâm, nhau tiền đạo trung tâm. Tất cả những hiện tượng này đều gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và thai nhi như dễ bị sẩy thai, sinh thiếu tháng, mất máu, thậm chí tử vong khi chuyển dạ.
Do đó, thai phụ có nhau thai bám thấp cần được theo dõi đặc biệt, nhập viện sớm trước khi có cơn đau chuyển dạ. Khi xác định nhau bám thấp, bác sĩ sẽ chỉ định cho thai phụ sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và con.
Theo Eva