Mang thai là khoảng thời gian khó khăn, cả về thể chất lẫn tinh thần. Cơ thể bạn thay đổi bởi hàng loạt các triệu chứng khác nhau, trong đó, một số bứt rứt nhỏ có thể làm bạn hoảng sợ.
Dưới đây là những dấu hiệu cần lưu ý và đi khám ngay:
1. Nôn nặng
Hầu hết các trường hợp ốm nghén đều gây phiền nhiễu nhưng không có hại. Tuy nhiên, nếu bạn nôn liên tục đến mức bạn không thể đi tiểu thì bạn cần cho bác sĩ biết. Điều này có thể dẫn tới mất nước nghiêm trọng, không có lợi cho cả bạn và em bé của bạn.
Ngoài ra, nếu nôn suốt cả ngày thì có thể do bạn bị ngộ độc thức ăn; nôn kèm sốt cao cũng cần chú ý và bạn phải đi khám ngay.
2. Đau bụng dữ dội
Nếu bạn mang thai dưới 3 tháng, bạn cảm thấy bị co thắt mạnh một bên bụng (bạn chưa siêu âm lần nào) thì có thể bạn đang mang thai ngoài tử cung. Nếu là cơn đau dữ dội và tái phát trong thai kỳ, hãy đi khám ngay vì nó có thể là cơn co thắt liên quan tới viêm ruột thừa.
3. Ra nhiều dịch tiết hoặc co thắt nặng
Nếu bạn đang ở gần cuối thai kỳ, ra nhiều dịch có thể do vỡ ối sớm và bạn cần đi khám ngay lập tức. Nhưng nếu bạn đột nhiên bị chảy dịch tiết âm đạo rất nhiều trước tuần 37, bạn cũng nên đi bệnh viện ngay. Nó cũng có thể cảnh báo túi ối vỡ sớm và bạn sắp sinh non. Tuy nhiên, đừng vội nghĩ đến điều tồi tệ nhất. Nhiều phụ nữ nghĩ họ bị vỡ ối sớm trong khi, dịch tiết ra chỉ là nước tiểu.
Các cơn co thắt cũng là dấu hiệu tiềm năng của sinh non. Vì vậy, nếu bạn đột nhiên thấy co thắt từ tuần 24 tới tuần 36, bạn hãy đi khám. Chúng có thể là những cơn co chuyển dạ giả nhưng bạn vẫn cần trao đổi với bác sĩ.
4. Chảy máu
Bất cứ khi nào bị chảy máu âm đạo, bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ. Trong quý II hoặc quý III, ra máu có thể cảnh báo trục trặc ở nhau thai hoặc một vấn đề cần siêu âm sớm. Tuy nhiên, bạn đừng vội hoảng sợ vì hầu hết các trường hợp ra máu khi mang thai không cảnh báo dấu hiệu bệnh nguy hiểm.
Nếu bạn đang ở 12 tuần đầu tiên, phần lớn phụ nữ đều bị ra máu nhẹ và ra máu không đồng nghĩa với sảy thai.
5. Nhức đầu dữ dội hoặc sưng khắp cơ thể
Nếu bạn nhức đầu (hoặc đau nửa đầu) trong 3 tháng đầu tiên thì đây có thể không phải triệu chứng cần điều trị. Tương tự, nếu bạn bị phù nhẹ thì có nghĩa là cơ thể bạn đang lưu giữ chất lỏng.
Tuy nhiên, nếu bạn đột nhiên bị đau đầu dữ dội trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba; nếu bàn tay và khuôn mặt bị phù nặng mà không có dấu hiệu giảm thì có thể là dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật. Một dấu hiệu khác cảnh báo tiền sản giật mà bạn phải đi khám sớm là: tầm nhìn trở nên mờ.
6. Thiếu sự chuyển động của thai
Nếu bạn không cảm nhận được một cú đá nào từ bào thai trong vòng 1 tiếng, bạn không cần đi khám ngay lập tức. Thay vào đó, hãy thử uống một cốc nước quả (đường trong nước quả làm tăng lượng đường trong máu của bé, khiến bé bắt đầu muốn cử động). Sau đó, nằm nghiêng về bên trái trong một căn phòng yên tĩnh trong vòng nửa tiếng đồng hồ.
Nếu bạn vẫn không tính được 3-4 chuyển động của bé trong thời gian đó, bạn cần gọi điện hỏi bác sĩ. Thông thường, em bé vẫn khỏe mạnh nhưng bác sĩ có thể tiến hành siêu âm để đảm bảo không có bất kỳ vấn đề gì.
Theo Eva