Đó đều là những mẹo nhỏ hết sức đơn giản, thậm chí thú vị để giúp mẹ bầu vượt cạn một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.
1. Tập thể dục
Phụ nữ mang thai thường xuyên luyện tập có xu hướng sinh nở nhanh hơn, bởi việc tập thể dục sẽ cải thiện sức chịu đựng. Và nếu bạn có thể chịu đựng tốt hơn khi cuộc vượt cạn diễn ra, bạn sẽ ít có khả năng cần tới sự can thiệp của y tế. Nếu vậy, bạn hãy chọn cho mình việc luyện tập thích hợp như đi bộ, bơi, hoặc tham gia một lớp học thể dục tiền sản khi mang bầu với sự tư vấn kĩ càng của bác sĩ nhé.
2. Lớp học sinh sản
Làm quen với các giai đoạn của việc sinh nở và luyện tập các biện pháp giúp bạn thoải mái và đỡ căng thẳng có thể sẽ giúp việc sinh nở của bạn dễ dàng hơn. Bạn nên tìm một lớp học nhỏ (có ít hơn mười cặp vợ chồng), một giảng viên có kinh nghiệm, và chế độ luyện tập phù hợp với bạn.
3. Có sự trợ giúp tốt
Chồng của bạn có thể được ở bên cạnh bạn trong suốt thời gian vượt cạn, nhưng bạn vẫn có thể muốn được giúp đỡ thêm. Theo phân tích của các thử nghiệm lâm sàng được công bố trên tạp chí Sản Phụ khoa Hoa Kỳ, phụ nữ được nhân viên hộ sinh chăm sóc liên tục, giảm được 50% khả năng cần phải đẻ mổ, 30% cần thuốc giảm đau và 25% có thời gian sinh nở ngắn hơn so với những người không có chăm sóc này.
4. Làm mình phân tâm
Đối với những người lần đầu làm mẹ, sinh nở tự nhiên kéo dài trung bình từ 12 đến 14 tiếng. Vì vậy, khi các cơn co thắt bắt đầu – bạn sẽ cảm thấy đau trước tiên ở lưng dưới hoặc bụng dưới. Nếu bạn bắt đầu thấy lo lắng ngay từ đầu, hãy đếm cơn co thắt và hít thở mạnh qua mỗi lần đau, bạn sẽ giúp mình sao nhãng đi. Hoặc bạn cũng có thể thực hiện các hoạt động khác như, đi bộ, tắm rửa hoặc nấu nướng. Bất cứ điều gì giúp bạn thư giãn đều giúp mọi chuyện trôi qua nhanh hơn.
5. Ăn nhẹ
Một bữa ăn nhẹ trong giai đoạn đầu chuyển dạ khi còn ở nhà sẽ giúp bạn duy trì năng lượng. Hãy tránh thức ăn béo ngậy hoặc khó tiêu hóa, vì bụng quá đầy có thể làm cho bạn cảm thấy buồn nôn trong giai đoạn cuối của quá trình chuyển dạ. Co thắt cơ bắp và việc thở nhanh chóng trong quá trình sinh nở cũng có thể khiến bạn bị mất nước nhanh chóng vì thế hãy uống nhiều chất lỏng trong khi bạn chuyển dạ ở nhà, và một khi bạn đã đến bệnh viện, nhân viên y tế sẽ cho bạn biết khi nào bạn cảm thấy bị mất nước.
6. Đi tắm
Cảm giác đau đớn có thể khiến các cơ bắp trên cơ thể của bạn bị căng, tạo ra cảm giác khó chịu hơn nữa. Thật kỳ lạ, một vòi tắm hoa sen nước ấm có thể giải quyết điều đó. Đó như một liệu pháp xoa dịu kiểu mát-xa, hướng vòi hoa sen vào lưng hoặc bất cứ nơi nào các cơn co thắt dữ dội nhất. Việc tắm vòi hoa sen có thể tốt ở bất kỳ giai đoạn sinh nở nào.
7. Ngâm bồn
Thời gian vài giờ chuyển dạ có thể là quá sớm cho gây tê ngoài màng cứng với một vài bà mẹ, và bác sĩ sẽ đề nghị việc ngâm trong bồn nước xoáy của bệnh viện. Phương thức này có tác dụng rất kỳ diệu: bạn có thể thay đổi vị trí một cách dễ dàng bằng cách trượt quanh trong dòng nước ấm. Thêm vào đó, tác động của dòng nước ngầm phụt lên của bồn tắm ở phần lưng dưới sẽ giúp dịu đi cơn co thắt mãnh liệt của bạn.
8. Mát-xa
Trong một nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu cảm ứng tại Đại học Y Miami (Mỹ), phụ nữ chuyển dạ được mát-xa sẽ cảm thấy ít đau đớn và lo lắng khi sinh con hơn những người không được mát-xa. Khi bạn kích thích vào khu vực đau, cho dù bằng áp lực hay bằng nhiệt, bạn cũng đang truyền thông điệp làm giảm đau gửi tới não.
Bạn có thể muốn được bóp vai hoặc cổ trong thời gian chuyện dạ lúc đầu, sau đó ấn mạnh vào lưng dưới ở giai đoạn chuyển dạ dữ dội. Tương tự như vậy, có thể có những lúc bạn không muốn được chạm vào chút nào.
9. Liên tục hít thở
Hít thở đúng cách không chỉ giúp bạn tập trung trong quá trình co bóp, việc thở chậm giữa các cơn co thắt dữ dội cũng giúp bạn nghỉ ngơi và thư giãn. Trong giai đoạn chuyển dạ, hãy thử mọi chiến lược thư giãn giúp bạn trong cuộc sống hàng ngày – thở sâu, mường tượng một nơi yêu thích, hoặc nghe nhạc.
Trên tất cả, hãy nhớ rằng cuộc vượt cạn nào cũng sẽ kết thúc và đó chính là khởi đầu của một cuộc sống mới – em bé của bạn chuẩn bị chào đời. Đó là lý do tại sao ngay cả việc sinh nở khó khăn nhất vẫn luôn là công việc đáng giá nhất mà bạn từng làm.
Theo Afamily