Mùa đông, dù mẹ bầu tắm nước ấm rất tốt nhưng không được dùng nước quá nóng sẽ gây nguy hại đến con.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, thì việc tắm rửa sẻ giúp mẹ sảng khoái tinh thần. Tuy nhiên trong những ngày mùa đông lạnh giá, chị em cần chú ý đến những nguyên tắc khi tắm để tránh gây cảm lạnh cũng như ảnh hưởng đến thai nhi.
Tắm bằng nước ấm, không tắm nước lạnh
Cho dù trời không lạnh lắm và nhiệt độ cơ thể bà bầu luôn cao thì mẹ cũng không nên lựa chọn tắm bằng nước lạnh. Với bà bầu, tắm nước lạnh là điều cấm kị bởi việc bị lạnh đột ngột có thể khiến tim đập nhanh, huyết áp tăng… ảnh hưởng đến cả bà mẹ và em bé. Hơn nữa, nước lạnh đột ngột có thể làm co các mạch máu trong cơ thể bà bầu, khiến quá trình lưu thông máu và cung cấp dưỡng chất cho thai nhi bị ảnh hưởng khá nhiều.
Vì vậy mẹ bầu nên tắm bằng nước ấm hàng ngày để đảm bảo sức khỏe trong mùa đông. Nước ấm đem lại cảm giác khoan khoái, dễ chịu, hơn nữa kích thích quá trình máu lưu thông nhiều hơn.
Tắm bằng nước ấm, không tắm nước nóng
Dù tắm nước ấm rất tốt nhưng nhiệt độ nước phải đảm bảo ngang bằng với nhiệt độ cơ thể, không nên để quá nóng. Theo nhiều nghiên cứu được công bố, nhiệt độ quá cao có thể sẽ làm tổn thương các tế bào thần kinh, dễ gây dị tật cho thai nhi. Khi tắm nước quá nóng, cơ thể người mẹ sẽ nóng lên nhanh, kéo theo đó là nước ối và thân nhiệt của người mẹ tăng lên, dễ ngăn chặn quá trình cung cấp oxy cho thai nhi.
Các chuyên gia cũng khuyên chị em trong thời gian mang thai không nên đi tắm hơi bởi đây cũng là một hình thức tắm nước nóng với thời gian dài, dễ gây nguy hại cho thai nhi.
Thời gian tắm trung bình cho mẹ bầu là khoảng 15 – 20 phút, không nên kéo dài quá lâu. Việc phải đứng, ngồi quá lâu ở một vị trí sẽ khiến bà bầu choáng váng, hơn nữa, vào mùa đông tắm quá lâu sẽ dễ nhiễm cảm lạnh. Sau khi tắm xong, mẹ bầu cũng nên ngồi nghỉ một lúc để cho cơ thể được thư giãn hoàn toàn, máu lưu thông khắp cơ thể.
Không tắm khi đêm muộn
Cơ thể chị em trong thời gian mang thai rất nhạy cảm, chính vì vậy các mẹ không nên tắm rửa bất cứ lúc nào trong ngày đặc biệt là khi vừa ngủ dậy hoặc đêm muộn. Mẹ bầu nên chọn thời điểm thích hợp nhất trong ngày khi cơ thể sẵn sàng nhất cho việc tắm rửa như buổi chiếu tối sau khi đi làm về.
Mùa đông, dù mẹ bầu tắm nước ấm rất tốt nhưng không được dùng nước quá nóng sẽ gây nguy hại đến con. (ảnh minh họa)
Không tắm khi tụt huyết áp
Khi cơ thể mệt mỏi, huyết áp xuống thấp, tắm nước ấm sẽ làm mạch máu trong cơ thể người mẹ giãn nở, máu đưa lên não của mẹ cũng như đưa chất dinh dưỡng đến cho con không đủ, có thể gây đến những hậu quả khó lường.
Không tắm sau khi ăn no
Mẹ bầu cần ghi nhớ tuyệt đối không tắm sau khi ăn no (lúc da bụng căng). Tắm lúc này sẽ làm các mạch máu trong cơ thể nở to, máu dồn xuống hạ thể, lượng máu cung cấp cho khoang bụng không đủ cho hệ thống tiêu hóa hoạt động, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn. Nghiêm trọng hơn, từ những biểu hiện trên có thể dẫn đến việc hạ đường huyết một cách đột ngột! Do đó, dù đôi khi cảm thấy thật oi bức sau mỗi bữa ăn, chị em cũng đừng đi tắm mà hãy nghỉ ngơi để hạ nhiệt đã nhé.
Uống nước trong khi tắm
Hãy chuẩn bị một chai nước lọc để cạnh bồn tắm. Nếu thời gian tắm kéo dài, các mẹ nên nhâm nhi nước lọc để tránh nguy cơ bị mất nước.
Không cố tắm khi đang mệt
Lúc mẹ cảm thấy cơ thể quá mệt mỏi, ốm yếu thì không nên cố ép mình đi tắm. Kể cả tắm bằng nước nóng cũng khiến mạch máu trong cơ thể giãn nở nhiều, làm lượng máu đưa lên não và đến các cơ quan của người mẹ chậm hơn, dễ gây ảnh hưởng cho thai nhi.
Theo Eva