Theo bác sĩ Tường Vi, từ 19h đến sáng hôm sau, các mẹ nên cho trẻ bú bất cứ lúc nào bé có nhu cầu hoặc cho ăn thêm 1-2 bữa sữa.
Theo thạc sĩ, thầy thuốc ưu tú Dzoãn Thị Tường Vi (nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198), từ 6 tháng tuổi, trẻ có thể bắt đầu ăn dặm.
Khi đó, việc chọn thực phẩm và cung cấp cho bé một thực đơn đầy đủ chất dinh dưỡng rất quan trọng trong việc phát triển thể chất và trí tuệ.
Các mẹ có thể áp dụng thực đơn được bác sĩ Tường Vi cung cấp sau khi đã cân đối dinh dưỡng phù hợp với trẻ 6 tháng tuổi, bao gồm các bữa ăn cụ thể trong một tuần.
Cũng như người lớn, trẻ cần cung cấp đủ 4 nhóm chất trong các bữa ăn hàng ngày, gồm bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Trong 2 bữa bột chính hàng ngày, các mẹ cần kết hợp đủ các thành phần này.
Bên cạnh việc ăn bột, trẻ cũng cần được ăn trái cây. Mỗi ngày các mẹ nên cho trẻ ăn một bữa trái cây nguyên chất để tận dụng nguồn chất xơ, một bữa nước ép. Đặc biệt, sữa mẹ vẫn luôn là nguồn dinh dưỡng quý báu cho trẻ nên cần phải duy trì việc cho trẻ bú thường xuyên.Trường hợp mẹ ít sữa, có thể cho trẻ uống thêm sữa công thức. Mỗi ngày, đảm bảo lượng sữa từ 500-700 ml.
Theo bác sĩ Tường Vi, trẻ 6 tháng tuổi không nên ăn nhiều đồ tanh bởi hệ tiêu hóa còn non yếu và cần cho trẻ dần làm quen từng bước. Do đó, thực đơn này chỉ bao gồm các món bột kết hợp với thịt gà, thịt lợn, trứng và sữa. Sai lầm của nhiều mẹ khi nấu bột cho con là quên cho dầu ăn và mỡ, trong khi đây là môi trường cần thiết để cơ thể chuyển hóa các chất đạm. Các mẹ có thể ước lượng 5 g dầu tương đương với một thìa cà phê.
Để tiện lợi, nhiều mẹ thường nấu một nồi bột để trong tủ lạnh và cho con ăn cả ngày. Tuy nhiên, đây là một sai lầm khiến bé chán ăn. Hãy thay đổi thực đơn thường xuyên để tạo cảm giác mới mẻ, lạ miệng khiến trẻ ăn ngon hơn.
Theo bác sĩ Tường Vi, từ 19h đến sáng hôm sau, các mẹ nên cho trẻ bú bất cứ lúc nào bé có nhu cầu hoặc cho ăn thêm 1-2 bữa sữa.