Trẻ đến 3 tuổi, sớm hay muộn cũng cần bỏ thói quen ngủ vặt trong ngày. Bước chuyển giao giai đoạn này vốn cần thiết và rất bình thường nhưng lại không dễ đối với trẻ và cả các bà mẹ nữa.
Bọn trẻ sẽ trở nên rũ rượi vào buổi chiều muộn, khiến cha mẹ tự hỏi làm sao con có thể tỉnh táo để có thể ngủ ngoan vào buổi tối vì nếu để trẻ ngủ ngay lúc ấy, trẻ có thể sẽ thức thâu đêm, đây sẽ là cơn ác mộng với cả nhà. Dù khó, nhưng không phải là không có cách nhẹ nhàng giúp trẻ cai những bữa ngủ vặt ban ngày.
1. Đừng cắt đứt các bữa ngủ vặt quá sớm. Đôi khi trẻ sẽ bỏ một bữa ngủ trong mấy ngày rồi lại ngủ ngon lành những ngày sau đó. Vậy nên, cha mẹ nên nhớ rằng 90% trẻ dưới 3 tuổi còn ngủ vặt. Đến 4 tuổi, 50% trẻ còn ngủ vặt ít nhất là 5 ngày một tuần.
2. Chú ý tới các biểu hiện khi trẻ đã sẵn sàng. Các dấu hiệu dưới đây, nếu xuất hiện thường xuyên trong ít nhất 1 đến 2 tuần thì có nghĩa trẻ đã sẵn sàng bỏ giấc ngủ ngày.
– Trẻ thường khó ngủ hay không hề buồn ngủ vào các giờ ngủ vặt ban ngày như trước.
-.Trẻ thường không có biểu hiện mệt mỏi khi bỏ qua một giấc ngủ vặt.
– Trẻ thường khó ngủ vào buổi tối nếu ban ngày trẻ ngủ vặt.
3. Hãy đảm bảo rằng trẻ có thời gian yên tĩnh kể cả khi trẻ không ngủ: Dù không ngủ, nhưng trẻ vẫn cần có thời gian phục hồi lại năng lượng trong ngày. Hãy để trẻ có được không gian yên tĩnh ban ngày vào giờ trẻ vốn dành để ngủ. Khi trẻ không đồng ý, bạn hãy nói cho trẻ biết để có thể làm nhiều việc thú vị hơn, nghĩ ra nhiều trò vui hơn, trẻ cần phải nghỉ ngơi, có thể đọc sách, chơi xếp hình, vẽ tranh thay vì ngủ.
4. “Giờ nghỉ” không có nghĩa là giải trí truyền hình: Ti vi, điện thoại, ipad hay bất cứ màn hình điện tử nào cũng không phải là một thay thế cho bữa ngủ vặt. Dù nó có vẻ như giữ bọn trẻ ở yên một chỗ, nhưng những phương tiện này sẽ khiến não trẻ bị kích thích thay vì nghỉ ngơi.
5. Tránh đưa trẻ ra ngoài bằng ô tô hay xe máy vào chiều muộn. Khi trẻ trong giai đoạn cai giấc ngủ vặt, chúng thường rất ủ rũ, mệt mỏi vào khoảng 4 đến 5 giờ chiều, và một chuyến đi như vậy sẽ là cách để ru ngủ trẻ. Để con ngủ môt giấc dù ngắn vào thời điểm này sẽ khiến cho giấc ngủ chính trở nên khó khăn. Nếu phải di chuyển, cố gắng giữ cho trẻ tỉnh táo bằng cách nói chuyện hay gợi sự chú ý với bên ngoài
6. Để trẻ ngủ tối sớm hơn. Một vấn đề của việc không được ngủ ngày đó là trẻ sẽ kiệt sức sớm hơn. Tuy vậy, không ngủ ngày không có nghĩa là trẻ sẽ tự động đi ngủ sớm hơn. Ngược lại, không được ngủ ngày có thể khiến trẻ khó ngủ hơn vào ban tối. Nên trong giai đoạn chuyển tiếp này, cha mẹ nên để con đi ngủ tối sớm hơn khoảng từ 30 phút tới 1 giờ. Sự điều chỉnh này sẽ giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn vào buổi tối.
7. Để trẻ ngủ ngày khi cần thiết. Kể cả khi trẻ dứt thói quen ngủ ngày trong nhiều tháng, điều đó không có nghĩa là trẻ không bao giờ nên ngủ vặt ban ngày nữa. Trẻ nhỏ sẽ quay lại ham muốn ngủ ngày vì nhiều lý do, chủ yếu là trong giai đoạn phát triển ngôn ngữ hay tại các dấu mốc phát triển thể chất. Các chuyên gia cho biết họ để ý thấy, sự trở lại này thường diễn ra quanh các ngày sinh nhật hay thời điểm giữa các lần sinh nhật. Giữ lịch nghỉ ngơi trong yên tĩnh là rất quan trọng, nhưng khi thấy trẻ mệt mỏi, rất cần một giấc ngủ bạn cũng đừng nên cố cản trẻ cho bằng được, ai cũng có lúc mệt mỏi quá sức và không còn cách nào tốt hơn để vượt qua ngoài một giấc ngủ sâu.
Theo Afamily