Bướu cổ luôn là nỗi lo của phái nữ vì họ hoặc phải đối diện một ca phẫu thuật làm xấu dung nhan, hoặc không mổ thì canh cánh bên lòng nỗi lo nó… hóa ác! Để hiểu rõ hơn về bướu cổ, phóng viên báo Phụ Nữ đã phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam – Đại học Y Dược TP. HCM.
Bướu cổ luôn là nỗi lo của chị em. Ảnh minh họa: internet
PV: Có phải bướu cổ là bệnh đặc thù của phái nữ? Tỷ lệ nam/nữ là như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam: Tỷ lệ bệnh nhân bị bệnh bướu cổ nữ trên nam là 3/1. Tức có ba phụ nữ bị bệnh bướu cổ mới có một người nam bị bệnh này. Nguyên nhân là do hệ thống nội tiết tố của phụ nữ có nhiều điểm khác biệt so với nam giới và từ đó phụ nữ dễ bị bệnh bướu cổ hơn.
* Có nhiều loại bướu cổ? Có loại lành tính có loại ác tính?
– Trong phân loại bướu cổ có bướu lành tính và bướu ác tính, bướu bình giáp và bướu cường giáp. Bướu cường giáp gây ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể và hệ tim mạch, chẳng hạn như tim đập nhanh, tăng chuyển hóa nên cơ thể gầy ốm, mất ngủ, rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn…
* Ông hãy cho biết thêm về loại bướu cổ mang tên “dậy thì”. Thế nào được gọi là bướu lan tỏa?
– Có loại bướu cổ xảy ra ở những trẻ em vào tuổi dậy thì do nhu cầu nội tiết tố tuyến giáp tăng lên vào lứa tuổi này. Bướu dậy thì sẽ bình ổn khi cơ thể phát triển hoàn chỉnh, vì thế chỉ cần theo dõi, không cần điều trị. Bướu cổ lan tỏa là loại bướu phát triển ở cả hai thùy tuyến giáp, lớn đều hai bên với mật độ mềm. Bướu lan tỏa cần được theo dõi và điều trị.
* Khi phát hiện có bướu cổ, bệnh nhân nên tiến hành những bước tiếp theo như thế nào? Có cách nào tự nhận biết tình trạng bướu của mình là do thiếu hoặc thừa iod hay không?
– Khi phát hiện bướu cổ (thấy cổ to ra hoặc đứng trước gương tự khám cổ cảm nhận có bất thường), bệnh nhân nên đến khám bác sĩ nội khoa hoặc chuyên khoa nội tiết. Tại đây bệnh nhân sẽ được khám và siêu âm tuyến giáp để xác định loại bướu cổ và sau đó cho xét nghiệm máu nhằm định lượng nội tiết tố hormone tuyến giáp và xác định xem có cường giáp hay không. Phần lớn các loại bướu cổ không thể xác định do thừa hay thiếu iod, chuyện chẩn đoán thừa hay thiếu iod chỉ là phỏng đoán mà thôi. Tuy nhiên, đa số bướu cổ là do thiếu iod.
* Về điều trị, khi nào thì phẫu thuật hoặc dùng phóng xạ?
– Việc điều trị dứt điểm bệnh bướu cổ hoàn toàn trong khả năng của bác sĩ. Tuy nhiên, muốn thành công cần sự hợp tác chặt chẽ giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Bệnh bướu cổ chỉ phẫu thuật khi bướu cổ lớn độ III, bướu cổ thể nhân, bướu cổ thất bại với điều trị nội khoa, ung thư tuyến giáp. Chỉ áp dụng chất phóng xạ với những bướu cổ cường giáp, ung thư tuyến giáp và khi có chỉ định đặc biệt của bác sĩ.
* Nếu phát hiện bướu cổ ngay khi mang thai thì nên xử trí thế nào?
– Bệnh bướu cổ hầu như không ảnh hưởng gì đến việc mang thai. Một số trường hợp có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh bướu cổ. Tuy nhiên, thai phụ cũng nên khám thường xuyên để tránh tình trạng ảnh hưởng lên tim do bệnh bướu cổ có kèm hội chứng cường giáp.
* Đã có trường hợp bị basedow, phẫu thuật rồi lại bị tái phát. Xin hỏi trường hợp này có thể có thai được không?
– Vẫn có thể có thai được.
* Xin ông cho biết, nên chọn chế độ ăn như thế nào để không bị thừa và thiếu iod?
– Với chế độ ăn như những cư dân của TP.HCM hiện nay thì việc thừa hay thiếu iod không được đặt ra. Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh bướu cổ là thiếu iod trong chế độ ăn uống, vì vậy một số vùng miền đặc biệt không gần biển cần ăn hải sản, dùng muối iod. Bướu cường giáp nên tránh cuộc sống quá căng thẳng, không ăn thức ăn có nhiều iod và không được ăn muối iod.
* Có không ít người khi bị bướu cổ lại đi chích, lể… Những phương pháp này có hiệu quả không?
– Khi bị bướu cổ, không nên điều trị theo kiểu dân gian như: dán thuốc, lấy kim chích vào bướu, đắp lá… Các phương pháp này chẳng những không hết bệnh mà còn có thể gây nhiễm trùng, khiến bệnh trầm trọng, việc điều trị của bác sĩ chuyên khoa khó khăn hơn.
Theo PhunuOnline