Trong thời kỳ có thai, nếu người mẹ thiếu canxi, mặc dù có sự phân giải hợp chất canxi trong xương phóng thích vào máu để đáp ứng nhu cầu, nhưng sự đáp ứng này chỉ có giới hạn. Thai nhi không thể tránh khỏi các ảnh hưởng xấu khi thiếu canxi: chậm phát triển, bệnh còi xương bẩm sinh, chứng khò khè bẩm sinh, dị dạng xương…
Trong thời kỳ cho con bú, nếu thiếu canxi, sữa mẹ kém chất lượng, trong 100ml sữa không có đủ 34mg canxi. Từ đó, trẻ sẽ bị thiếu, có các biểu hiện như dễ bị giật mình, ngủ không yên, hay quấy khóc hoặc co giật. Những biểu hiện thiếu canxi ngày một rõ, xuất hiện vài ba ngày, vài tuần hay 1 tháng sau sinh.
Thiếu canxi còn trực tiếp gây hại cho bà mẹ. Khi có thai thường tê chân, mệt mỏi, mất ngủ; khi nuôi con bú, cơ thể suy yếu, đổ mồ hôi trộm, dễ sinh ra đau lưng, đau vai, đau khớp. Sự thiếu canxi hấp thu trường diễn sau nhiều lần sinh là tiền đề gây loãng xương khi bước vào tuổi mãn kinh.
Trước hết, cần bổ sung canxi bằng cách ăn uống các thực phẩm chứa nhiều canxi. Một số thức ăn chứa nhiều canxi là: cua đồng, tôm đồng, sữa bột, sữa bò và dê tươi, sữa bột đậu nành, cà rốt, vừng… Để tạo thuận lợi cho việc hấp thu canxi, nên ăn uống cân đối, năng lượng do chất béo chiếm 20 – 30%, protein không quá 20%, còn lại là glucid, rau xanh và hoa quả tươi. Nhưng cần chú ý, không ăn rau cùng lúc với việc uống thuốc canxi vì cellulose trong rau dễ giữ hết canxi.
Ngoài ra, trong thời kỳ có thai và cho con bú, cần bổ sung canxi bằng thuốc, tốt nhất là dùng loại biệt dược chứa canxi và vitamin D3, tuy nhiên, cần sử dụng theo chỉ dẫn của nhân viên y tế vì thừa canxi hay vitamin D đều gây hại cho cơ thể. Một điểm cần chú ý, thai phụ khỏe mạnh dùng biệt dược chứa canxi nào cũng được; Nhưng có một số trường hợp phải cân nhắc: người bị đái tháo đường không nên dùng biệt dược chứa calcigluconat, người cần kiêng muối không dùng biệt dược canxi có chứa nhiều natri. Người cần dùng lâu dài, không dùng loại biệt dược có thể tạo acid lactic.
Theo Suckhoedoisong