Tắc tia sữa, bí tiểu, đau vết rạch tầng sinh môn, sốt, nhiễm khuẩn hậu sản… là những nỗi khổ mà nhiều mẹ sau khi sinh đã trải qua và thừa nhận “sợ đến già”.
Căng sữa và tắc tia sữa
Tắc sữa hay còn gọi là tắc tia sữa là hiện tượng xảy ra khá phổ biến ở những bà mẹ sau sinh. Biểu hiện của bệnh là hai bầu vú cương cứng, rất đau, nóng, nhiều trường hợp còn bị sốt vừa hoặc sốt cao gây đau đớn cho mẹ.
Nếu để tình trạng này kéo dài không chưa trị kịp thời sẽ dần áp xe vú, phải phẫu thuật người mẹ bị mất sữa, bé không được bú sữa mẹ. Tắc tia sữa sau sinh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của con.
Đau vết rạch tầng sinh môn, hoặc vết rạch trên bụng
Thủ thuật rạch tầng sinh môn hoặc rạch bụng thường được thực hiện trong quá trình sinh nở để hỗ trợ và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dạ khi xuất hiện các dấu hiệu sinh khó vì hẹp xương chậu, thai quá lớn.
Sau khi sinh, vết rạch thường đau và sưng, nhất là ở ngày thứ hai sau đó. Tình trạng này có thể kéo dài từ bảy đến mười ngày. Chị em sẽ phải chịu đựng những cơn đau điếng cho vết khâu để lại. Rất nhiều mẹ đã chia sẻ rằng cảm giác đi vệ sinh với vết khâu tầng sinh môn thật là khủng khiếp. Cảm giác này có khi còn ớn lạnh hơn cả đau đẻ. Nếu vệ sinh không tốt có thể gây viêm nhiễm dẫn đến đau nhức, có cảm giác bị cắn rứt, ngứa, bị phù nề và có khi có mủ.
Ảnh minh họa.
Bí tiểu
Nhiều bà mẹ khoảng 3 – 4 giờ trở đi sau sinh gặp phải cảnh “dở khóc dở cười”- muốn đi tiểu nhưng không đi được. Bí tiểu sau sinh tuy không gây nguy hiểm nhưng gây nhiều khó chịu về vận động và cảm giác cho người mẹ. Cảm giác ngày càng căng tức và khó chịu.
Táo bón
Trong thai kỳ, máu tập trung để nuôi dưỡng thai, do đó máu nuôi đại tràng kém đi, gây khô táo ruột mà sinh táo bón. Cộng với đó, phụ nữ sau sinh thường mất máu, mất sản dịch nên cơ thể mất nước, máu chưa kịp xuống nuôi đại tràng. Khi sinh xong, bị hư tổn nặng nề, cộng với huyết nuôi đại tràng trong suốt thai kỳ kém nên rất dễ bị táo bón.
Mặt khác, sau khi sinh, sản phụ thường hạn chế đi lại, nằm nghỉ trên giường nhiều nên vận động của ruột yếu đi, phân lưu lại ruột lâu, bị ruột tái hấp thu nước nhiều nên phân khô và cứng lại gây táo bón.
Sốt, nhiễm khuẩn hậu sản
Sau sinh khoảng 4 – 6 tuần, cơ thể của người phụ nữ chưa phục hồi được sau những thay đổi lớn của quá trình mang thai và sinh nở. Lúc này, sức khỏe của mẹ rất yếu. Mẹ dễ bị nhiểm khuẩn hậu sản trong thời gian này. Đấy là các nhiễm khuẩn xuất phát từ bộ phận sinh dục và thâm nhập vào cơ thể phụ nữ bằng cách ngược dòng âm đạo hoặc cổ tử cung, hoặc qua các tổn thương của cơ quan sinh dục khi sinh. Thường gặp là nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo, tử cung, viêm nội mạc tử cung, viêm phúc mạc khu trú… Triệu chứng ban đầu có thể là sốt nhẹ, sưng tấy ở chỗ bị viêm, mệt mỏi, sản dịch hôi.
Cơn đau tử cung
Vì trong tử cung vẫn còn máu cục, sản dịch… nên thỉnh thoảng tử cung có những cơn co bóp mạnh để tống các chất dư thừa ra ngoài gây nên những cơn đau tử cung. Ở người con so thường ít gặp vì chất lượng tử cung còn tốt. Các cơn đau tử cung thường gặp ở người con rạ, càng đẻ nhiều lần càng đau vì chất lượng cơ tử cung yếu dần, tử cung càng cần phải co bóp mạnh hơn những lần trước để đẩy máu cục và sản dịch ra ngoài.
Đôi khi các cơn đau tử cung này cần dùng thuốc giảm đau vì cường độ quá mạnh. Ở một số sản phụ, các cơn đau này có thể kéo dài nhiều ngày. Các cơn đau tử cung đặc biệt cũng có thể gặp khi cho trẻ bú, do oxytocin được giải phóng ra nhiều. Thông thhau sanường các cơn đau giảm dần về cường độ và sản phụ cảm thấy dễ chịu hơn vào ngày thứ 3 sau đẻ.
Theo Afamily