Theo Đông y, bướm bạc có vị hơi ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải biểu, khai uất, hòa lý, lương huyết, tiêu viêm. Dân gian nước ta dùng nó làm thuốc giảm đau, trị ho, bạch đới, tê thấp.
Cây bướm bạc còn gọi là bươm bướm, hoa bướm, có tên khoa học: Mussaenda pubescens Ait.f. Thuộc họ cafe rubiaceae. Bướm bạc là loài cây nhỏ mang rất nhiều cành, cành non có nhiều lông mịn, lá nguyên mọc đối dài 4-9cm, rộng 1,5-4,5cm lá kèm hình sợi.
Cụm hoa hình sim ngù mọc ở đầu cành. Hoa màu vàng trong số 5 lá dài có một lá đài phát triển màu trắng, mềm, gân nổi rõ, có cuống dài dân gian cho đó là cánh hoa màu trắng. Quả mọng dài 6-9mm, rộng 6-7mm màu đen, có gân dọc trên quả, nhẵn. Rất nhiều hạt nhỏ màu đen mặt hình mạng.
Theo Đông y, bướm bạc có vị hơi ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải biểu, khai uất, hòa lý, lương huyết, tiêu viêm. Dân gian nước ta dùng nó làm thuốc giảm đau, trị ho, bạch đới, tê thấp.
Thường được dùng để chữa cảm phong nhiệt, say nắng, viêm khí quản, viêm họng, sưng amidan, viêm ruột tiêu chảy, viêm mủ da, tử cung xuất huyết… Dùng ngoài không kể liều lượng. Rửa sạch, giã nát, đắp lên chỗ đau.
Thân cây có thể thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô. Lá thường dùng tươi. Liều dùng 15-30g dược liệu khô hoặc 30-60g tươi, có thể giã vắt dược liệu tươi lấy nước uống.
Dưới đây là một số bài thuốc dùng độc vị bướm bạc:
– Chữa đi tiểu khó, tiểu ít, ho khan do nhiệt: Hoa bướm bạc 12 – 20g, mã đề 10g, rễ cỏ tranh 10g, cành, lá kim ngân hoa 12g. Nấu với 500ml nước, sắc còn 300ml thuốc, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Uống từ 5 – 7 ngày.
– Chữa cảm sốt do phong nhiệt, say nắng: Thân cây bướm bạc 12 – 16g, lá cây ngũ trảo 10 – 12g, bạc hà 3 – 5g. Tất cả sấy khô hoặc sao nhẹ cho khô, tán dập ngâm nước sôi 500ml, sau 5-10 phút để nguội, chia uống 4 – 5 lần trong ngày. Uống 3 ngày
– Chữa kiết lỵ do nhiễm nắng nóng lâu ngày (phục thử hạ lỵ): Bướm bạc 40- 80g sắc uống.
– Chữa đau nhức các khớp tay chân do thấp nhiệt (ẩm và nóng), khí hư bạch đới: Rễ bướm bạc 12 – 20g, lá lốt 10 – 12g, cỏ xước 10 – 12g, cành dâu 12 – 16g, mã đề 8g. Nấu với 650ml nước, sắc còn 400ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Uống 7 ngày.
– Chữa tử cung xuất huyết: Rễ tươi bướm bạc 15g sắc uống hoặc nhai nuốt nước.
– Chữa sốt, viêm họng do nhiệt: Rễ bướm bạc (hoặc thân cây) 30g, củ rẻ quạt 2g, húng chanh 10g. Nấu với 500ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Uống 3 – 5 ngày. Hoặc dùng rễ (hoặc thân cây) bướm bạc 40g, trái khế khô 20g. Sắc uống như trên.
– Chữa mụt nhọt lở loét (ác sang thũng độc): Bướm bạc (tươi) giã đắp chỗ đau.
– Chữa lao nhiệt, nóng âm ỉ trong xương: Rễ bướm bạc 1 nắm sắc uống.
– Viêm dạ dày – đường ruột cấp tính: Cọng và lá bướm bạc 40-80g sắc uống.
– Chữa trúng độc thức ăn: Lá bướm bạc tươi giã vắt nước uống.
– Chữa ho, viêm họng đỏ hoặc viêm amidan cấp: Lá và thân bướm bạc 150g/ngày, sắc uống trong 3 ngày.
– Phòng ngừa say nắng: Bướm bạc 60-90g, nấu nước uống như trà.
Lưu ý: Phụ nữ có thai và trẻ em dưới 10 tuổi tuyệt đối không được dùng bướm bạc.
Theo Suckhoedoisong